Là một vùng đất kiên cường trong những tháng năm khói lửa, Đồng Nai cũng là chiến khu quan trọng bậc nhất miền Nam. Chiến khu D Đồng Nai là cái tên đã quen thuộc với các bậc cha anh. Đó là địa chỉ đỏ của quân chủ lực miền Nam trong thời chiến. Hòa bình lập lại, chiến khu D trở thành di tích lịch sử, nằm yên giữa màu xanh núi rừng. Tuy nhiên nơi đây còn lưu dấu rất nhiều dấu tích sau những trận đánh ác liệt. Dưới đây là vài thông tin hữu ích để bạn biết thêm về địa danh này.
Giải mã cái tên chiến khu D Đồng Nai
Đã có rất nhiều giai thoại xoay quanh cái tên chiến khu D này. Theo tài liệu còn lưu giữ, mật danh A, B, C, D được đặt cho nhiều khu vực căn cứ Việt Minh trong thời chiến. Trong đó D là căn cứ địa ở vùng Đông Nam Bộ, nơi tập hợp hành chính quân sự của quân đội tỉnh Thủ Dầu Một, Gia Định, Chợ Lớn, Biên Hòa, Tây Ninh. Trong các tác phẩm của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, D lại là chữ đầu của địa danh Đất Cuốc. Nhiều người lại cho rằng D nghĩa là “đỏ”, địa chỉ đỏ trọng yếu của khu vực phía Nam. Người lại nói D là Đồng Nai, là miền Đông, là chiến khu “đầu tiên” trong khu vực này. Tất cả giai thoại đều tạo nên màu sắc lịch sử cho địa danh chiến khu D.
Lợi thế vị trí địa lý của chiến khu D
Được che phủ bởi tán lá rừng dày đặc, đường vào hiểm trở, chiến khu D Đồng Nai trở thành khu căn cứ lý tưởng để che giấu và phát triển quân lực, bàn bạc chiến lược, cất giữ kho tàng vũ khí khỏi tầm quan sát của địch. Nhờ một phần kết nối với đường mòn Hồ Chí Minh, lại gần đồng bằng tập trung dân cư. Nơi đây còn là địa điểm quan trọng nhận tiếp tế, liên lạc từ Bắc vào Nam. Địa danh này còn nằm trên cửa ngõ thông với khu vực vùng núi cao nguyên. Với vị thế đặc biệt, chiến khu D trở thành bàn đạp quân sự quan trọng. Từ đây có thể tiến công các mục tiêu lớn như Sài Gòn và các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Về thăm lại cả một vùng trời kí ức
“Biên Hòa đã mất/Chiến khu D cờ vẫn đỏ ngọn cao”, đây là những lời thơ kể về sự kiện năm đó. Biên Hòa thất thủ, rất nhiều công nhân rời nhà máy, sinh viên, trí thức rời giảng đường để lên đường nhập ngũ. Chiến khu D Đồng Nai trở thành căn cứ tập kết chủ chốt. Bây giờ về thăm lại, còn rất nhiều dấu vết xưa để lại. Đường hào, hầm chông, bẫy kẹp vẫn sừng sững như thách thức bước chân của địch. Địa đạo sâu hun hút nối liền các phòng đầu não, có cả trạm y tế, bếp Hoàng Cầm. Chiếc xe đạp thồ đã gánh cả hàng trăm tấn bao lương tiếp tế qua năm dài tháng rộng. Cả những hố bom, tượng đài ghi nhớ cha anh nằm xuống, vẫn đứng đó gợi nhắc về một thời hào hùng.
Bình luận bài viết