Biên Hòa – Đồng Nai là mảnh đất màu mỡ thu hút nhiều lưu dân từ nhiều vùng khác nhau trên đất nước đến sinh sống và làm việc. Đời sống cũng bắt đầu trở nên sôi động hơn và cần có nhu cầu để trao đổi hàng hóa. Chợ Biên Hòa xưa từ đó được hình thành và cứ thế phát triển cho đến ngày hôm nay như là một nhu cầu tất yếu của cuộc sống.
Tên gọi gắn liền với chợ Biên Hòa xưa một thời
Thời xa xưa khi mới ra đời, chợ Biên Hòa được nhiều người nhắc đến là chợ Dinh – chợ của Dinh Trấn Biên và đã sớm đi vào kho tàng ca dao của Việt Nam “Đố anh con rết mấy chân/ Cầu ô mấy nhịp, chợ Dinh mấy người”. Ngoài ra, xưa kia của vùng đất này là cánh đồng hươu nai, nên người ta quen gọi là chợ Đồng Nai. Chợ Biên Hòa xưa còn được biết đến với nhiều cái tên khác như chợ Lộc Dã, chợ Lộc Đông.
Xuất hiện các ngành nghề thủ công
Bên cạnh những điều kiện tự nhiên trời phú, phát triển trồng trọt và chăn nuôi trở thành nguồn lực sinh sống chính của hầu hết mọi gia đình. Về sau, với sự tiếp xúc và thuần thục với các ngành nghề thủ công truyền thống như làm gốm, làm mộc, đúc đồng, dệt chiếu, dệt vải,…thì sự chuyên môn hóa bắt đầu được chú trọng hơn trong từng ngành nghề. Từ đó, xuất hiện các làng nghề ở nhiều địa điểm khác nhau và trở thành nét văn hóa đặc trưng có một không hai ở vùng đất Biên Hòa: rạch Lò Gốm, khai thác và làm sắt trấn Biên Hòa, xóm chợ chiếu, dệt lĩnh ở Phước An, Long Khánh đan buồm,…nổi tiếng được nhiều người biết đến. Hầu hết các loại sản phẩm này được trao đổi nhiều nhất ở chợ Biên Hòa xưa.
Hoạt động giao thương sôi nổi
Cùng với sự phát triển của thương cảng Cù Lao Phố – từng là một thương cảng sầm uất của vùng Gia Định, hoạt động buôn bán của chợ Biên Hòa xưa trở nên hưng thịnh hơn bất cứ lúc nào. Nơi đây trao đổi mua bán các loại mặt hàng trong và ngoài nước, nổi bật là muối trắng Vũng Dương, vải Phước An, rượu Thạch Than, thuốc lào Long Thành,…Nhiều loại lâm sản quý hiếm được khai thác: trầm hương, sừng tê, ngà voi, nhung hươu,…Với vị trí nằm gần ven sông nên để việc bán và mua hàng thuận lợi thì người dân đều sử dụng thuyền, ghe. Khung cảnh nhộn nhịp ấy được khắc họa qua hai câu thơ của Trịnh Hoài Đức: “Kẻ buôn tụ tập, thuyền đi biển, đi sông đều đến cuốn buồm neo đậu, đầu đuôi thuyền đậu kế tiếp nhau, thật là một chỗ đô hội”.
Trung tâm chợ tỉnh của Biên Hòa
Chợ Biên Hòa xưa là tâm điểm mua bán của cả vùng đất Biên Hòa. Tất cả các hàng hóa trước khi được xuất khẩu qua các vùng lân cận đều được tập trung tại đây. Sau khi hàng hóa được nhập khẩu thì chúng cũng sẽ có mặt tại đây trước khi phân phối cho các chợ huyện, chợ xã. Ngoài các mặt hàng phổ biến trên thị trường, chợ Biên Hòa xưa còn nhập khẩu một số hàng hóa có nguồn gốc từ phương Tây. Tuy xuất hiện khá lâu đời nhưng chợ nổi tiếng giao thương phong phú các loại sản phẩm, giá cả cạnh tranh, đa dạng mẫu mã, chất lượng cao,…Một trong những mối làm ăn lớn có quan hệ khăng khít với chợ Biên Hòa xưa chính là Sài Gòn – Chợ Lớn.
Bình luận bài viết