Sau vụ ngộ độc pate Minh Chay, Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm TP HCM Phạm Khánh Phong Lan trả lời về kinh nghiệm, khó khăn trong quản lý thực phẩm.
– Đến nay, sau hơn 20 ngày có cảnh báo ngộ độc liên quan đến thực phẩm pate Minh Chay, việc thu hồi xử lý sản phẩm này ở TP HCM như thế nào, thưa bà?
– Hiện, thành phố thu hồi 261 sản phẩm, cộng thêm 45 sản phẩm tìm được tung tích là 306 sản phẩm trên tổng số 1.559 mặt hàng bán ở TP HCM. Số thu hồi chưa đến 20%. Ngay từ đầu chúng tôi không hy vọng thu hồi 100% các sản phẩm. Vấn đề là chúng tôi phải ráng thu hồi nhiều, làm nhanh để người dân ngưng sử dụng, giảm bớt thiệt hại.
Ban rất nỗ lực nhưng việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Một số người dân còn giữ hàng nhưng không cho thu hồi vì đòi giữ lại để bắt đền công ty sản xuất. Chúng tôi giải thích khi thu hồi có lập biên bản, làm cơ sở sau này đòi bồi thường nhưng họ không chịu. Chúng tôi cũng không chế tài được.
Theo luật, Công ty TNHH Hai Thành viên Lối sống mới (sản xuất pate Minh Chay) phải đi thu hồi, nhưng thấy để lâu nguy hiểm nên chúng tôi phải vào cuộc. Khi có danh sách khách mua sản phẩm, chúng tôi gọi điện từng người cảnh báo không sử dụng nữa. Ai lỡ dùng cần đến cơ sở y tế khám ngay, nhất là khi có triệu chứng như nói khó, yếu cơ…
Đối với người mua mà chưa sử dụng, chúng tôi yêu cầu phải cất sản phẩm ở chỗ riêng không để lẫn với thực phẩm khác, đề nghị cho đến tận nhà thu hồi. Có người đem đến tận nơi (dù chúng tôi không khuyến khích) nhưng còn 45 người không cho thu hồi. Hơn 700 người khác báo ăn rồi nhưng đã vứt bỏ sản phẩm.
Đây là vụ việc ở cấp độ quốc gia, giữa đơn vị cấp phép ở Hà Nội và công ty sản xuất, nên người tiêu dùng hãy yên tâm để cơ quan chức năng thu hồi sản phẩm vì sức khoẻ, tính mạng là quan trọng nhất.
– Ngày 19/8, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) nhận được thông báo của Bệnh viện Bạch Mai về 2 bệnh nhân ngộ độc nghi vi khuẩn Clostridium botulinum. 10 ngày sau, cơ quan này công bố nguyên nhân từ pate Minh Chay, yêu cầu cả nước thu hồi sản phẩm. Trong thời gian này, nhiều người khác tiếp tục nhập viện. Bà đánh giá thế nào về quy trình xử lý này?
– Nói chung không phải tự nhiên người ta sinh ra các quy trình. Quy trình này cơ quan chức năng cũng tham khảo quốc tế rồi, vì không phải dễ dàng kết luận nguyên nhân ngộ độc.
Ca ngộ độc đầu tiên liên quan pate Minh Chay xuất hiện từ cuối tháng 7, sau đó có một số ca khác nữa nhưng các bác sĩ điều trị ngay từ đầu không thể biết được ngộ độc do vi khuẩn gì. Họ phải dựa vào những kinh nghiệm lâm sàng và nghi do vi khuẩn Clostridium botulinum type B. Khi bắt đầu tìm hiểu điểm chung mới thấy tất cả bệnh đều ăn pate Minh Chay. Từ đó bệnh viện mới báo cho Bộ Y tế vì đây là cơ quan có thẩm quyền xử lý các vụ ngộ độc.
Khi Bộ Y tế tổng hợp những trường hợp này mới có chỉ đạo kiểm nghiệm hàng còn lưu giữ của công ty sản xuất, nhất là sản phẩm bán ra trong tháng 7, 8. Tất cả việc này đều phải tuân thủ quy trình, tốn thời gian mới có kết quả. Không thể tự dưng kết luận sản phẩm doanh nghiệp gây ngộ độc mà không có kết quả kiểm nghiệm, không nuôi cấy làm bằng chứng, khiến doanh nghiệp không phục. Chưa kể, việc không kiểm nghiệm có thể bỏ sót nguyên nhân thực sự.
– Bà từng nói “thà cảnh báo nhầm còn hơn để lọt sản phẩm không an toàn, ảnh hưởng sức khỏe người dân”. Bà đã vận dụng việc này như thế nào trong quá trình quản lý thực phẩm?
– Nguyên tắc bất cứ ngành nào, đặc biệt ngành y tế luôn lấy sức khỏe người dân làm đầu. Ở trường hợp này, nếu chúng ta chậm cảnh báo người dân rằng ăn pate Minh Chay có nguy cơ liệt cơ, có thể tử vong thì hậu quả vô cùng nghiêm trọng, thà hy sinh lợi ích doanh nghiệp để bảo vệ sức khỏe người dân.
Việc cảnh báo sớm có thể nhầm, nhưng quan trọng sinh mạng người dân không được phép nhầm lẫn. Trong những trường hợp này mình phải làm theo quy định, nhưng cái gì làm được nhanh để giảm thiểu thiệt hại cần phải làm ngay.
Chẳng hạn, trong thời gian chờ kiểm nghiệm, chúng tôi sẽ thuyết phục công ty tạm ngưng sản xuất. Chúng tôi cũng tận dụng test nhanh để sàng lọc trước dù kết quả này không có giá trị xử phạt vì có thể dương tính giả. Tuy nhiên ít ra test nhanh cũng giúp sàng lọc, để có căn cứ cho ngưng lưu thông sản phẩm trong thời gian chờ kết quả kiểm nghiệm. Đây là cách ứng xử linh động đối với luật.
Quy định đưa ra bắt buộc phải tuân thủ. Nhưng mình làm việc cần phải cân nhắc, phân tích nặng nhẹ tùy trường hợp, không phải lúc nào cũng ngồi chờ kết quả kiểm nghiệm chính thức được. Ngay cả doanh nghiệp khi để xảy ra sự cố có thể lựa chọn tạm ngưng sản xuất và hợp tác với cơ quan chức năng xử lý hậu quả. Ý thức của doanh nghiệp cũng sẽ giúp họ nhẹ tội hơn.
– Hiện việc quản lý chất lượng thực phẩm thuộc thẩm quyền của 3 bộ: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công thương, Y tế. Quan điểm của bà về mô hình quản lý này?
– Khi vụ pate Minh Chay xảy ra chúng tôi gửi văn bản ra Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) hỏi xử lý thế nào vì trước giờ công ty phải tự thu hồi, tiêu hủy thì được cơ quan này hướng dẫn hỏi Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) do vấn đề này liên quan nhiều bộ.
Mỗi bộ có một đặc thù nên việc quản lý an toàn thực phẩm liên quan 3 bộ. Tuy nhiên, nếu quy về một đầu mối việc xử lý sẽ kịp thời hơn. Ở một sở khi có chỉ đạo, các trưởng phòng cứ báo lên báo xuống với ban giám đốc chứ không chịu trao đổi trực tiếp với nhau. Huống chi là giữa các sở, các chi cục thuộc các sở trao đổi với nhau còn khó nữa. Cho nên nếu được, mình nên giảm bớt đầu mối, để ít ra khi xảy ra chuyện người dân còn biết chỗ để báo.
– TP HCM là địa phương đầu tiên thí điểm mô hình Ban Quản lý an toàn thực phẩm kết hợp 3 lực lượng y tế, công thương, nông nghiệp vào một chỗ. Nếu thành phố xảy ra sự cố như vụ pate Minh Chay, quy trình xử lý của ban sẽ như thế nào?
– Cuối năm 2016, Thủ tướng cho phép TP HCM thí điểm mô hình Ban quản lý an toàn thực phẩm. Mô hình ra đời với sự kết hợp lực lượng từ 3 sở (Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn). Ban là đơn vị cấp phép, cũng là nơi thanh tra, xử lý ngộ độc… Nếu xảy ra sự cố như pate Minh Chay, chúng tôi rà soát ngay, yêu cầu cơ sở ngưng sản xuất, lấy mẫu làm kiểm nghiệm. Việc tập trung một đầu mối xử lý từ A đến Z nên thời gian giải quyết nhanh hơn nhiều.
Còn ở Hà Nội chưa có Ban Quản lý an toàn thực phẩm nên khi có sự cố phải báo cáo UBND thành phố, sự việc chuyển qua chuyển lại nhiều cơ quan rất lòng vòng. Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội) có chức năng cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm với cơ sở sản xuất. Nhưng khi xảy ra ngộ độc, trách nhiệm còn của Sở Y tế, cơ quan quản lý thị trường của Sở Công thương nên việc xử lý mất nhiều thời gian.
– Sau gần 4 năm hoạt động thí điểm, bà đánh giá việc quản lý an toàn thực phẩm ở TP HCM như thế nào?
– Hiện thành phố có hai dạng thanh tra an toàn thực phẩm: thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất. Thanh tra theo kế hoạch không có giá trị gì vì phải báo trước thời gian, nội dung làm việc… Kế hoạch thanh tra phải gửi cho Thanh tra thành phố duyệt, bảo đảm mỗi doanh nghiệp chỉ bị thanh tra một lần trong năm.
Còn thanh tra đột xuất phải nói rõ lý do cho Thanh tra thành phố. Ngoài ra, cơ chế phân cấp hiện nay nơi nào cấp phép nơi đó thanh tra. Cho nên những hộ kinh doanh do quận huyện cấp phép thì nơi này sẽ phải thanh tra; doanh nghiệp do thành phố cấp phép thì thành phố kiểm tra. Thành phố cũng có quyền kiểm tra các hộ kinh doanh nếu phát hiện sai sót, vi phạm theo tin báo. Nói chung, quy định thanh tra của mình còn nhiều bất cập.
Một khó khăn nữa, Ban Quản lý an toàn thực phẩm là đơn vị thí điểm tương đương cấp sở. Điều này đồng nghĩa người đi thanh tra phải là thanh tra viên cấp sở mới có quyền lập biên bản ngay. Còn nếu không phải thanh tra viên cấp sở mà chỉ là liên ngành của quận, huyện hoặc là thanh tra của chi cục (thuộc Sở Y tế như trước đây) muốn thanh tra phải có quyết định của trưởng ban. Việc xử phạt cũng phải trưởng ban ký chứ chánh thanh tra không có quyền ký nên không được chủ động lắm. Vì vậy, trên bàn tôi lúc nào cũng cả xấp quyết định xử phạt.
Ngoài ra, việc kiểm nghiệm rất tốn kém nên cần nhiều kinh phí. Thời gian qua việc kiểm nghiệm đã tăng nhiều nhưng với thành phố hơn 10 triệu dân như TP HCM vẫn chưa đủ, cần phải làm nhiều hơn nữa.
– TP HCM vẫn còn xảy ra tình trạng thực phẩm thiếu an toàn, không có nguồn gốc, sử dụng chất phụ gia trôi nổi ngoài chợ… Hành động của ban trong thời gian tới như nào để ngăn chặn tình trạng này?
– Thành phố đang có hơn 41.000 cơ sở thực phẩm. 6 tháng đầu năm 2020, hơn 6.500 trên tổng số 9.200 cơ sở thực phẩm ở thành phố được kiểm tra đạt yêu cầu an toàn thực phẩm (chiếm 71%); vẫn còn gần 2.700 cơ sở vi phạm (gần 29%), trong đó hơn 660 cơ sở bị phạt tiền khoảng 8,8 tỷ đồng.
Tuy nhiên, để đánh giá hiệu quả công tác an toàn thực phẩm không chỉ căn cứ trên số vụ thanh tra, kiểm tra. Cách đo chính xác để thấy chất lượng thực phẩm được kiểm soát hiệu quả chính là sản lượng thực phẩm sạch tiêu thụ. Vì khi người dân dùng nhiều thực phẩm sạch đồng nghĩa thực phẩm bẩn đang được đẩy lùi.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng quy trình kiểm soát thực phẩm bài bản hơn. Việc hậu kiểm sẽ được thực hiện nhiều hơn bảo đảm thực phẩm khi đến người tiêu dùng được kiểm soát an toàn. Ban sẽ bổ sung lực lượng cho những địa phương còn thiếu, tập trung kiểm soát những mảng có nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Nguồn: Hữu Công (vnexpress)
Bình luận bài viết