Dù Nhà nước đã cấm pháo nổ nhưng có không ít cá nhân vẫn lén lút tàng trữ và sử dụng. Hệ quả là xảy ra những tai nạn liên quan khiến nhiều người mang tật..

Tình trạng mua bán, tàng trữ và đốt pháo vào các dịp lễ, Tết diễn biến ngày càng phức tạp ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai. Thống kê của Bộ Y tế cho biết trong những ngày Tết, có rất nhiều trường hợp cấp cứu do pháo nổ. Điều này cho thấy một bộ phận người dân (đặc biệt là thanh thiếu niên) không chấp hành đúng các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng pháo.
Điều đáng lo ngại là một số người còn đăng những thông tin sai lệch về Nghị định số 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo (gọi tắt Nghị định 137) có hiệu lực thi hành từ ngày 11-1-2021. Trên một số trang mạng xã hội đăng thông tin: người dân được sử dụng pháo hoa dịp lễ, Tết. Đây là thông tin chưa đầy đủ và không chính xác.
Tại Điều 17, Nghị định 137 cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chỉ cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ sẽ được sử dụng pháo hoa dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, tổ chức, cá nhân khi sử dụng chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa. Mặt khác, pháo hoa được sử dụng là loại pháo hoa đốt trong các nhà hàng tiệc cưới, chủ yếu chỉ có hiệu ứng âm thanh, ánh sáng chứ không có thuốc nổ như các loại pháo hoa nổ đốt ngoài trời.

Các hệ lụy do pháo nổ gây ra

Ở Bắc Giang, một thanh niên đã lên mạng tìm mua các thành phần hóa học để chế tạo thuốc pháo và pháo đã phát nổ trong quá trình nhồi thuốc. Bệnh nhân cấp cứu trong tình trạng dập nát bàn tay trái

Hệ lụy của pháo nổ - Ảnh minh họa

Hệ lụy của pháo nổ – Ảnh minh họa

Hầu hết các trường hợp tai nạn do pháo đều bị đa chấn thương hoặc chấn thương rất nặng như bệnh nhân nam ở Hải Phòng (41 tuổi) bị dập nát 3 ngón tay bàn tay phải. Hay nhiều trường hợp bị rất nặng phải cắt bỏ ngón tay, bàn tay do sức công phá mạnh như 1 quả mìn nhỏ.

Bên cạnh đó khả năng bị nhiễm trùng vết thương lớn do bị bỏng nặng, điều trị tốn kém – PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Viện trưởng Viện Chấn thương Chỉnh hình cho hay.

Đây cũng là lời cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng đối với các trường hợp còn chưa hiểu hay cố tình vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng pháo trong nghị định của Chính phủ.

Các mức xử phạt về hành vi buôn bán và sử dụng pháo nổ

Lực lượng Công an tiến hành khám nghiệm hiện trường vụ nổ do chế tạo pháo

Lực lượng Công an tiến hành khám nghiệm hiện trường vụ nổ do chế tạo pháo

Các hành vi vi phạm về pháo sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí bị xử lý hình sự. Bên cạnh bị phạt tiền, toàn bộ số pháo là tang vật sẽ bị tịch thu theo quy định.

STT NỘI DUNG VI PHẠM MỨC PHẠT
1 Lưu hành các loại giấy phép về quản lý, sử dụng pháo hoa không còn giá trị sử dụng 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng
2 Sử dụng các loại pháo mà không được phép 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng
3 Sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng
4 Mang vào hoặc mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép các loại pháo 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng
Các hành vi phạm tội liên quan đến sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại pháo có thể sẽ bị xử lý hình sự (*).

(*) Nếu đốt pháo nổ, pháo hoa nổ gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh khác tương xứng với hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản do hành vi đốt pháo gây ra.

Chỉ còn hơn 1 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán 2021, mỗi người dân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, đừng để Tết mất vui vì… pháo.
Nguồn tham khảo:
  • VTV
  • VOV
  • Báo Đồng Nai