Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết nhiều bệnh nhân tiêu tùng gan, thận vì tin lời quảng cáo ‘nhà tôi ba đời làm thuốc gia truyền’ trên mạng
Suy gan, suy thận… vì bài thuốc quảng cáo “trời ơi”
Theo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, một trong hai người bệnh này 25 tuổi, đã uống thuốc “gia truyền” 20 ngày nay mà theo quảng cáo là để… sinh con trai.
Sau khi uống thuốc, bệnh nhân mệt mỏi,… men gan tăng gấp 20 lần so với bình thường, trong khi bình thường men gan chỉ tăng 2-3 lần đã là nguy hiểm.
“Bệnh nhân tới sớm nên chưa tổn thương nặng tới mức vàng da, vàng mắt. Qua xét nghiệm cho thấy bệnh nhân không bị viêm gan siêu vi B, C, HIV, tình trạng men gan tăng cao là do gan bị nhiễm độc thuốc nam” – bác sĩ Vũ Minh Đức, khoa nội tổng hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết.
Một bệnh nhân khác (73 tuổi, bị đau khớp và viêm gan B đã nhiều năm) cũng gặp tình trạng tương tự. Bệnh nhân nhập viện hôm 30-3 trong tình trạng suy gan, suy thận, khó thở…
Chồng bệnh nhân cho biết vợ ông đã sử dụng thuốc nam và tưởng đã khỏi bệnh, nhưng thời điểm trước khi nhập viện, ông thấy bà có các mảng bầm tím dưới da nên đưa vào bệnh viện cấp cứu. Tại bệnh viện, người vợ được chẩn đoán đã suy gan, suy thận… cũng do ngộ độc thuốc nam.
Đây không phải là những trường hợp cá biệt, đã “trả tiền thật để rước bệnh về mình” do tin vào quảng cáo thuốc “trời ơi” trên mạng.
Bệnh viện Xanh Pôn từng đã tiếp nhận bệnh nhân nam 56 tuổi, mắc tiểu đường lâu năm, đồng thời mắc viêm gan B, ung thư gan, sử dụng thuốc tiêm điều trị tiểu đường.
Nghe theo “thần y” mạng, tháng 10-2020 bệnh nhân bỏ điều trị, chuyển sang uống thuốc nam (4 viên/ngày); gói thuốc không rõ thành phần, bao bì, nơi sản xuất, cũng không có chứng nhận cấp phép, nhưng quảng cáo có công dụng điều trị tiểu đường và suy thận.
Vài ngày đầu, chỉ số đường huyết của bệnh nhân có giảm, nhưng càng ngày càng mệt mỏi, ăn uống kém, cuối tháng bệnh nhân vào viện trong tình trạng huyết áp tụt, ý thức chậm, thở nhanh, đau bụng… Các chỉ số xét nghiệm đều rất kém, đe dọa ngừng hô hấp, ngừng tim.
Không chỉ đe dọa tính mạng, thậm chí đã có nhiều trường hợp tử vong do dùng thuốc (có chứa chất cấm) mua qua mạng.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, thời điểm một hai năm trước đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp biến chứng nặng, thậm chí tử vong do uống “tiểu đường hoàn” – thuốc điều trị tiểu đường có chứa phenformin, chất đã bị cấm từ năm 1978.
Quảng cáo thuốc: lừa tất cả mọi người
Có rất nhiều hành vi nguy hại được các đơn vị quảng cáo sử dụng để đánh lừa người tiêu dùng.
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cho hay chính ông cũng từng bị đội ngũ bán thuốc thông qua gọi điện quảng cáo, gọi điện mời mua sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe thuộc phạm vi Cục An toàn thực phẩm quản lý.
GS Nguyễn Thanh Liêm – chuyên gia về nhi khoa, nguyên giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, người “quen mặt” trên truyền thông – thì bị sử dụng ảnh chụp và gắn một cái tên “trời ơi” vào để quảng cáo trên mạng.
PGS Lưu Thị Hồng, nguyên vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế), cũng gặp tình huống tương tự khi một nhóm đơn vị quảng cáo đã sử dụng ảnh và tên của bà Hồng (ghi rõ là Lưu Thị Hồng nhưng nhập nhèm đơn vị bà Hồng làm việc là Trung tâm y học cổ truyền) để quảng cáo loại “kem bôi nở ngực” và “kem uống nở ngực” giá 360.000 – 850.000 đồng/sản phẩm.
“Có đến hàng chục mẫu quảng cáo kiểu này, mỗi mẫu sử dụng một ảnh khác nhau nhưng tên trên quảng cáo đều là tên tôi.
Chúng tôi đã gọi cho đơn vị quảng cáo sản phẩm có ghi trên mạng xã hội, thậm chí nhắn tin vào số điện thoại và tin nhắn trên fanpage của họ thì họ xóa tin ngay hoặc trả lời rằng không biết tôi là ai.
Làm sao để dân mạng không bị lừa nữa, điều này làm tôi rất trăn trở” – bà Hồng nói với Tuổi Trẻ.
“Có rất nhiều hình thức đánh lừa người tiêu dùng.
Có khi họ dùng ảnh chụp các phóng viên của VTV hoặc cơ quan thông tấn, báo chí lớn rồi dùng biện pháp kỹ thuật gắn tên sản phẩm vào ảnh, kiểu như bài báo đó đang nói về sản phẩm của họ;
Có khi họ dùng tên, ảnh của giáo sư, bác sĩ uy tín bằng chiêu ảnh bác sĩ thì gắn tên khác, tên bác sĩ thì gắn ảnh khác…, từ đó đánh lừa những người không biết hoặc không tìm hiểu kỹ.
Từ chiêu này, họ bán những sản phẩm bình thường, thậm chí chất lượng kém, với giá cao” – đại diện một đơn vị chuyên truyền thông chính thống cho thuốc chữa bệnh nói.
Theo Lan Anh/Báo Tuổi trẻ
Bình luận bài viết