Bà Henriette Bùi Quang Chiêu sinh ra và lớn lên trong một gia đình tri thức và giàu có nức tiếng thời bấy giờ. Bà sinh ngày 08/09/1906 tại Hà Nội và lớn lên ở Sài Gòn (Tp.HCM). Tài năng, năng lực học tập,… và là nữ bác sĩ đầu tiên ở Việt Nam chính là điều khiến bà được người đời nhớ tới.
Henriette Bùi Quang Chiêu thông thạo đến 7 thứ tiếng, tốt nghiệp trường Y với luận án xuất sắc
Ngay từ khi còn nhỏ, bà đã rất sáng dạ và luôn có thành tích học tập xuất sắc. Bà theo học tại trường Saint Paul de Chartres hay còn gọi là trường Nhà Trắng tại Sài Gòn khi còn nhỏ. Năm 1915, bà thi vượt cấp (sớm 2 năm) và nhận bằng Certificat d’Études, rồi vào học trường Collège des Jeunes Filles, tức Trường Trung học Gia Long, trường Áo Tím sau này, nay là Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai thuộc quận 3, TP.HCM.
Bà sang Pháp du học khi mới 15 tuổi tại trường Lycée Fenelon ở Paris vào năm 1926. Bà Henriette vào học Y năm 1927 tại ĐH Y khoa Paris. Lúc ấy việc phụ nữ học đại học đã hiếm, huống chi là đại học Y khoa và là một nữ sinh người Việt. Đây chính là một tin chấn động thời bấy giờ. Sự có mặt của bà Henriette Bùi Quang Chiêu – một phụ nữ Việt tại một trường đại học danh tiếng của Pháp cũng là bước đột phá trong hệ thống giáo dục của nước này.
Năm 1934, sau 7 năm miệt mài học tập bà tốt nghiệp trường Y với luận án đạt loại xuất sắc, được Hội đồng giám khảo khen ngợi và tặng thưởng huy chương. Từ đây, Henriette chính thức bắt đầu con đường hành nghề y, trở thành nữ bác sĩ khoa sản đầu tiên của Việt Nam.
Một điều ấn tượng nữa, đó là bà Henriette Bùi Quang Chiêu biết đến 7 ngoại ngữ, bao gồm: Tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Ý, tiếng Trung, tiếng Tây Ban Nha, tiếng La Tinh và tiếng Hy Lạp.
Nữ bác sĩ Henriette Bùi Quang Chiêu Chọn cứu người, thay vì hạnh phúc riêng tư
Năm 1935, bà về nước lấy chồng theo lệnh của cha mẹ. Chồng bà Henriette là ông Vương Quang Nhường, Tiến sĩ Luật khoa đầu tiên của Việt Nam. Bà Henriette nhậm chức Trưởng khoa Hộ sinh cho một BV sản ở Chợ Lớn, và là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên có trách nhiệm chăm lo hệ thống bệnh viện thuộc địa thời ấy.
Cuộc hôn nhân của bà và ông Nhường chỉ kéo dài được 2 năm vì bà Henriette rất bận rộn công việc, thường xuyên phải ra khỏi nhà vào đêm hôm để đi cứu người.
Sau đổ vỡ, bà tái giá với kỹ sư, đồng thời là bác sĩ Nguyễn Ngọc Bích.
Ông Bích từng tốt nghiệp kỹ sư cầu cống từ trường nổi tiếng bậc nhất xứ Pháp “École Polytechnique,” vốn chỉ dành riêng cho sinh viên ưu tú nhất của nước Pháp và thế giới thời ấy.
Thời gian làm việc tại bệnh viện sản ở Chợ Lớn, bà Henriette thường xuyên đấu tranh trực diện với cấp trên để yêu cầu những quyền lợi chính đáng cho y bác sĩ Việt, cho bệnh nhân người Việt, trước sự bất công, thiên vị dành cho bác sĩ, bệnh nhân người Pháp.
Trong suốt 44 năm theo nghề y, bà Henriette từng làm việc cả ở Việt Nam và Pháp. Năm 1957, bà sang Nhật học thêm châm cứu để áp dụng trong ngành sản khoa. Bà sang Pháp sinh sống và mở phòng mạch riêng vào năm 1961.
Bà Henriette về nước vào năm 1970, tình nguyện phục vụ không lương trong ngành hộ sản và nhi khoa tại Bệnh viện Phú Thọ. Tuy nhiên, năm 1971, bà lại sang lại Pháp tiếp tục làm nghề y đến năm 1976 và mất vào ngày 27/4/2012 tại Paris, thọ 106 tuổi.
Được biết, bà Henriette còn hiến tặng biệt thự tư gia của bà ở số 28 đường Testard làm cơ sở cho Trường ĐH Y khoa Sài Gòn thuộc Viện Đại học Sài Gòn. Hiện nay, nơi này là địa điểm thuộc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở đường Võ Văn Tần, TP.HCM.
Nguồn: Việt Nam Net
Bình luận bài viết