Trước đó, khoảng 22 giờ 45 ngày 28.8, bà L.H.T (54 tuổi, ngụ Q.11) khi đang ở nhà riêng trên đường Nhật Tảo (P.7, Q.11) thì có 2 người đàn ông mặc sắc phục công an đến gõ cửa. 2 người đàn ông tự xưng là cán bộ Cục Cảnh sát hình sự, thuộc Bộ Công an, yêu cầu khám xét nhà và đọc lệnh bắt bà T.
Biển số ô tô xanh, súng… mua trên mạng
Thời điểm xảy ra vụ việc vào đêm khuya nhưng vẫn gây chú ý của nhiều người dân xung quanh nhà bà T. Nghi ngờ 2 người đàn ông này giả mạo công an nên người dân đã nhanh chóng trình báo cho Công an P.7 (Q.11) xuống xử lý. Tổ tuần tra thuộc Công an P.7 đã đến hiện trường, kiểm tra giấy tờ và mời 2 người đàn ông này về trụ sở công an để làm rõ.
Tại cơ quan công an, cả hai khai nhận tên Trần Văn Sơn (41 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) và Trần Hồng Thái (37 tuổi, quê Hưng Yên), và thừa nhận đã giả danh công an nhằm thực hiện hành vi “cưỡng đoạt tài sản”.
Trần Văn Sơn (41 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) tại cơ quan công an.
|
Cụ thể, tối 28.8, Sơn gặp Thái hẹn uống cà phê và đưa cho Thái bộ đồ sắc phục công an để mặc. Sau đó, Sơn điều khiển ô tô mang BS sơn màu xanh 80B – 2547, chở Thái đến nhà bà T. Sơn và Thái gõ cửa vào nhà bà T. và đọc lệnh bắt cùng lệnh khám xét nhà. Khi đang đọc quyết định phê chuẩn lệnh khám xét thì Công an P.7 xuống xử lý vụ việc, đưa cả 2 về trụ sở công an.
Công an thu giữ nhiều tang vật của cả 2 đối tượng này, trong đó có 1 giấy chứng minh CAND (mang tên Trần Quyết Thắng), 1 ô tô biển số xanh, 1 khẩu súng kim loại ngắn màu đen (không đạn) cùng một số giấy tờ liên quan. Sơn khai nhận số đồng phục công an và giấy tờ ngành, biển số xe đều được mua trên mạng; riêng chiếc ô tô được Sơn thuê trước đó.
Lời kể của chủ nhà
Trưa nay, 30.8, chúng tôi tìm đến nhà bà T. để tìm hiểu rõ hơn về sự việc trên. Hiện, bà T. vẫn chưa hết lo sợ khi kể về sự việc xảy ra vào tối 28.8.
Bà T. kể, khi bà vừa đi công tác về lúc 22 giờ (ngày 28.8) thì khoảng hơn nửa tiếng sau có 2 người đàn ông mặc sắc phục công an đến gõ cửa.
Trần Hồng Thái (bên trái, 37 tuổi, quê Hưng Yên) tại cơ quan công an.
|
“Tôi không biết đó là công an giả nên mới mở cửa cho vào. Chứ lúc đó tôi chỉ có một mình, họ ập vào đọc lệnh bắt nói công an bên Bộ rồi thông báo tôi cho vay nặng lãi, tổ chức đánh bạc”, bà T. kể lại.
Biết mình không hề vi phạm những vẫn lo sợ nên bà T. yêu cầu cả hai ngồi chờ để bà thay đồ rồi xuống làm việc. “Họ cứ theo sát tôi, yêu cầu khám xét nhà khẩn cấp nhưng tôi không đồng ý. Tôi lấy cớ lên nhà thay đồ rồi gọi điện cho người em thông báo sự việc. Một lúc sau thì công an khu vực đến giải cứu. Tôi bị tăng huyết áp, lúc đó thở không nổi!”, bà T. nói.
Sau sự việc trên, bà T. vẫn không hay biết mình bị công an giả mạo ập vào nhà lừa đảo mà chỉ biết thông tin khi công an khu vực mời lên lấy lời khai vào sáng hôm sau (29.8).
Sơn mua số giấy tờ liên quan đến ngành công an trên mạng.
|
Trao đổi với Công an P.7, thời điểm xảy ra sự việc công an khu vực đã ngay lập tức nắm vụ việc và cử tổ tuần tra xuống xác minh. Sau khi nhận định 2 đối tượng này có biểu hiện nghi vấn nên đã đưa cả 2 về trụ sở làm rõ.
“Khi nhận tin báo của hàng xóm bà T., chúng tôi đã cử lực lượng xuống xác minh bởi khi có sự việc trên địa bàn thì công an khu vực và tổ dân phố sẽ nắm thông tin từ ban đầu. Bằng biện pháp nghiệp vụ, chúng tôi nghi vấn 2 đối tượng này nên đã kiểm tra hành chính và đưa về trụ sở làm việc”, một cán bộ công an P.7, thông tin.
Qua sự việc trên, Công an Q.11 cảnh báo người dân nên cảnh giác với các đối tượng sử dụng những thủ đoạn tương tự nhằm mục đích xấu. Bên cạnh đó, khi phát hiện những sự việc nghi vấn, người dân nên trình báo ngay cho công an khu vực để lực lượng địa phương có hướng xử lý kịp thời.
Bình luận bài viết